Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”: Thúc đẩy quyền tham gia của thế hệ trẻ
VHO- Thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hóa chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I năm 2023 từ ngày 9 - 10.9 tại Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà cho các em Ảnh: BẢO ANH
Chương trình là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cấp Trung ương triển khai Đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023-2027 được Trung ương Đoàn TNCS ban hành vào ngày 8.8.2023. Đây là mô hình hoạt động mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em, phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ, tạo điều kiện để các em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Thông qua hoạt động, các em thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
Phiên họp giả định “Quốc hội Trẻ em” lần đầu tiên được tổ chức với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy; các đại biểu khách mời Trung ương và TP Hà Nội; Ban Bí thư Trung ương Đoàn cùng 263 đại biểu thiếu nhi đến từ 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Tiếng nói của trẻ em đã làm thay đổi nhận thức của người lớn
Trong số các đại biểu trẻ em dự chương trình, 7 em được tín nhiệm giữ các vị trí giả định chủ chốt gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH... Các em cũng trực tiếp tham gia thảo luận về hai chủ đề: Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.
Phát biểu tại Phiên họp giả định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định các quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, sự thể hiện xuất sắc của các đại biểu “Quốc hội trẻ em” đã cho thấy, mô hình Quốc hội giả định đã thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng các em trở thành những công dân có trách nhiệm và có khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Thực tế cho thấy, tiếng nói của trẻ em đã làm thay đổi nhận thức của người lớn và góp phần làm thay đổi thế giới. Ý kiến thảo luận của các đại biểu “Quốc hội trẻ em”, đặc biệt là Nghị quyết của Phiên họp giả định cũng là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các Ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em.
Các đại biểu trẻ em đóng vai lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ, đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến Ảnh: TRANG NHUNG
Gương mặt nổi bật Đặng Cát Tiên (Khánh Hòa) được chọn làm chủ tịch "Quốc hội trẻ em". Cùng điều hành còn có các bạn khác trong các vị trí: phó chủ tịch, tổng thư ký Quốc hội và các bộ trưởng. Giữa hội trường Diên Hồng vốn quá quen thuộc với các kỳ họp Quốc hội, các bạn nhỏ điều hành phiên họp bằng giọng nói dõng dạc, phong thái tự tin.
Nội dung chính của phiên họp cùng bàn hai vấn đề được trẻ em quan tâm hiện nay: bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đại biểu Ngô Thị Kim Cương (Tây Ninh) chỉ ra thực trạng trẻ tiếp xúc mạng xã hội quá sớm, chưa đủ kiến thức để tự bảo vệ mình. Cùng với đó, "hàng rào kỹ thuật" phòng ngừa xâm hại trẻ trên môi trường mạng chưa được quan tâm đúng mức, còn xem nhẹ việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em.
"Hơn ai hết, gia đình, nhất là cha mẹ, cần làm lá chắn cho trẻ nên càng phải chủ động tìm hiểu, ứng dụng công nghệ để kiểm soát thông tin của con, hướng dẫn con kiến thức cơ bản, cung cấp thông tin đúng cách, định hướng để con tương tác lành mạnh và an toàn trên môi trường mạng", Kim Cương đề xuất.
Trước câu chuyện phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em, đại biểu Trương Phước Minh (Quảng Trị) cho rằng một trong những nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ khoảng cách khiến cha mẹ khó làm bạn cùng con và con khó chia sẻ với cha mẹ.
Đại biểu này đề xuất có thể mở lớp tập huấn kỹ năng, tuyên truyền các mô hình, cuộc thi có sự đồng hành của phụ huynh cùng với con nhằm tạo sự sẻ chia, kết nối giữa cha mẹ và con cái.
Kết lại phần thảo luận, giải trình, chất vấn, chủ tịch "Quốc hội trẻ em" Đặng Cát Tiên đề nghị các đại biểu thiếu nhi sớm báo cáo cử tri trẻ em cả nước kết quả phiên họp. Đồng thời giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của trẻ em.
Tác động tích cực cho xã hội và sự phát triển của trẻ em
Từ năm 2018, mô hình Hội đồng Trẻ em (HĐTE) tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng trị và Kon Tum với mục tiêu thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em như Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định. Đến nay, 15 mô hình HĐTE tại 5 tỉnh trên đã được thành lập với 543 thành viên.
Em Trường Giang, Chủ tịch HĐTE tỉnh Lai Châu, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH giả định tại Phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em cho biết: “Từ năm 2021, em đã chính thức trở thành thành viên HĐTE tỉnh Lai Châu. Các thành viên của HĐTE được tham gia tập huấn về quyền và bổn phận của trẻ em cũng như các kỹ năng mềm để có thể tổ chức các buổi khảo sát lấy ý kiến trẻ em tại địa phương. Chúng em cũng được học hỏi kinh nghiệm từ các HĐTE khác, được tiếp xúc, gặp gỡ và trình bày ý kiến của trẻ em trong tỉnh với các Đại biểu HĐND, Đại biểu Quốc hội của tỉnh”.
Để chuẩn bị cho Phiên họp giả định xoay quanh 2 chủ đề này, hơn 40.000 lượt trẻ em trên toàn quốc đã tham gia trả lời khảo sát trực tuyến và trực tiếp về các nội dung xoay quanh thực trạng, nguyên nhân và giải pháp của các vấn đề. Các đại biểu trẻ em tham gia Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của trẻ em địa phương để mang tới thảo luận tại Phiên họp và được tập huấn, cung cấp thông tin, kỹ năng cần thiết để tham gia tích cực, hiệu quả vào các hoạt động trong chương trình.
Em Thanh Thảo, người dân tộc H’Mông, Phó Chủ tịch HĐTE huyện Xín Mần (Hà Giang) chia sẻ: “Ban đầu khi mới tham gia HĐTE cấp huyện, em còn khá tự ti, nhưng dần dần em đã hiểu hơn về quyền và bổn phận của trẻ em. Mỗi ngày chúng em tiếp xúc với các bạn cùng trường, cùng lớp để tìm hiểu về những vấn đề mà trẻ em đang mắc phải, chắt lọc thông tin, thảo luận với các anh chị trong Ban tham vấn để đưa ra ý kiến và giải pháp đề xuất với lãnh đạo địa phương. Em thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào khi được đại diện cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số từ tỉnh Hà Giang tới tham gia Phiên họp và đưa nguyện vọng của các bạn tới Quốc hội Trẻ em để có những giải pháp chính đáng, phù hợp”.
Từ những thành công của mô hình HĐTE, trong giai đoạn 2023- 2027, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đến 63 tỉnh, thành trong cả nước theo kế hoạch đề án Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em của Trung ương Đoàn.
Đề nghị phòng, tránh tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em Nêu thực trạng, tình trạng tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng, đại biểu trẻ em Hoàng Trà My - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng điều này đang trở thành một vấn đề gây bức xúc, lo lắng của toàn xã hội. Đặc biệt, hậu quả mà tình trạng này gây ra là vô cùng nghiêm trọng, trở thành một nỗi ám ảnh, để lại những tổn thương, nỗi đau đớn về thể chất lẫn tinh thần, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của trẻ em. Do vậy, các cơ quan chức năng tại địa phương cần quan tâm trang bị biển báo về nguy cơ mất an toàn cho trẻ em ở các hồ bơi, ngã ba, ngã tư tại thôn xóm. Đồng thời, cơ quan chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, tránh tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại thường xuyên hơn bằng hình thức phù hợp, hấp dẫn với trẻ em như kịch tương tác, tiểu phẩm, các trò chơi, các cuộc thi vẽ tranh cổ động… Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đại biểu trẻ em Ngô Kim Cương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh: Qua tiếp cử tri trẻ em tại địa phương cho thấy, gia đình, nhà trường, thầy cô giáo chưa chú trọng giáo dục, hướng dẫn về kỹ năng, kiến thức sử dụng mạng đúng cách cho trẻ. Đôi khi tập hợp rất nhiều nội dung tuyên truyền trong một khoảng thời gian ngắn không đủ cho việc hướng dẫn, giảng giải về tất cả các chủ đề, nên đa phần nội dung truyền tải không cụ thể, còn mang tính đại khái, chung chung… Đại biểu trẻ em Ngô Kim Cương đề xuất, hơn ai hết, gia đình, đặc biệt cha mẹ phải là những “lá chắn” cho trẻ, nên cần chủ động tìm hiểu, ứng dụng các giải pháp về công nghệ số để kiểm soát thông tin cá nhân của trẻ, hướng dẫn cho trẻ những kiến thức cơ bản như không ấn vào đường link lạ, biết cung cấp thông tin đúng cách, định hướng để giúp con em mình tương tác lành mạnh và an toàn trên môi trường mạng. Đại biểu cũng đề xuất Bộ GD&ĐT cần tăng thời lượng dạy và học môn Tin học, ngoài những kiến thức về ứng dụng cơ bản như Word, Excel cần cho học sinh trang bị kỹ năng tiếp xúc với Internet an toàn. Môn học Giáo dục công dân cần có nội dung phòng, chống xâm hại qua môi trường mạng. B.ANH |
NGUYỆT MINH
"Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện"